Giai đoạn hậu mua hàng: Thương hiệu cần làm gì để tái kết nối với khách hàng? [PHẦN 2]

Một số cách thực thi post-purchase marketing để xây dựng lòng trung thành khách hàng 

1. Chính sách hoàn tiền

Thương hiệu có thể gửi email để nhắc nhở khách hàng về chính sách hoàn tiền nếu họ không hài lòng với giao dịch mua sản phẩm. Điều này giúp khách hàng giảm bớt lo lắng sau khi mua hàng và trải nghiệm sản phẩm trọn vẹn hơn.

2. Chính sách hoàn trả

Sau khi bán hàng, thương hiệu nên thông báo với khách hàng về chính sách hoàn trả. Khách hàng sẽ cảm thấy lo lắng và kém hài lòng khi họ phải giữ và sử dụng một sản phẩm mà họ không thích. Bằng cách gửi một email giải thích rõ ràng về chính sách trả hàng, nhà tiếp thị có thể giúp khách hàng nhìn nhận thương hiệu một cách tích cực hơn.

3. Hướng dẫn sử dụng

Để khách hàng cảm thấy hài lòng về trải nghiệm tiêu dùng, thương hiệu có thể hướng dẫn họ cách tối ưu và bảo quản sản phẩm. Nhà tiếp thị có thể đính kèm trong email những infographic, video hay đường link hướng dẫn về cách sử dụng sản phẩm. Điều này giúp hạn chế những bất tiện khi khách hàng không tìm ra cách sử dụng món hàng hiệu quả và những đánh giá không tốt trên các diễn đàn. 

4. Giới thiệu về những sản phẩm liên quan

Sau khi khách hàng mua sản phẩm, thương hiệu có thể sử dụng “chiến thuật” đề xuất các sản phẩm được cá nhân hóa cho họ. Điều này tạo nên sự yêu thích thương hiệu và xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Nike thường gửi email giới thiệu sản phẩm được cá nhân hóa cho khách hàng

5. Chương trình khách hàng thân thiết

Doanh nghiệp có thể thể hiện sự trân trọng đối với người tiêu dùng bằng cách mời họ tham gia chương trình khách hàng thân thiết. Các ưu đãi độc quyền, điểm thưởng khi mua hàng và lượt ưu tiên trải nghiệm các dòng sản phẩm mới là những chính sách hấp dẫn có thể thu hút lượng người tham gia đáng kể.

6. Mời khách hàng phản hồi về độ hài lòng với sản phẩm

Hậu mua hàng là thời điểm lý tưởng để thương hiệu nhận phản hồi về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng. Điều này giúp thương hiệu thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, các lời mời phản hồi cũng góp phần thể hiện sự quan tâm, lắng nghe của thương hiệu dành cho khách hàng.

Một email mời khách hàng phản hồi về sản phẩm của Nike

7. Khuyến khích khách hàng giới thiệu sản phẩm đến bạn bè

Thương hiệu có thể tận dụng sự hài lòng của khách hàng để khuyến khích họ giới thiệu sản phẩm đến bạn bè. Tặng phiếu giảm giá hay những món quà cho khách hàng và người được giới thiệu sau khi mua hàng là một ý tưởng hay mà các thương hiệu nên áp dụng. 

8. Truyền thông trên các mạng xã hội và khuyến khích nội dung do người dùng tạo

Các phương tiện truyền thông mạng xã hội là những kênh giúp thương hiệu thu hút sự quan tâm từ khách hàng tiềm năng. Để khuyến khích nội dung do người dùng tạo, thương hiệu có thể mở các chiến dịch hay cuộc thi có sử dụng hashtag – nơi khách hàng chia sẻ về những trải nghiệm thú vị với sản phẩm. Những phản hồi tích cực này sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho các chiến dịch marketing của thương hiệu trong tương lai.

 

9. Nhắc nhở bổ sung

Nhà tiếp thị nên gửi email với tần suất hợp lý để nhắc nhở khách hàng đặt mua lại trước khi dùng hết sản phẩm, đồng thời đảm bảo họ không bị lung lay bởi “lời mời” của các đối thủ cạnh tranh.

Sephora “nhắc nhẹ” khách hàng đã đến lúc mua sản phẩm mới

Bài viết có tham khảo các nguồn sau:

Nguồn: Tường Minh – Advertising Vietnam